Cách đây 3 tuần, chị Ngọc Lan (Từ Liêm, Hà Nội) mua một chiếc Galaxy S6 chính hãng theo diện ưu đãi từ công ty với giá 11,5 triệu đồng. Chị tin chắc sẽ thu về ít nhất đôi ba triệu tiền bán lại máy, do thời điểm đó Galaxy S6 chính hãng có giá 16,6 triệu đồng. Tuy nhiên, rao bán trên mạng cả tuần với giá 13,5 triệu, chị không nhận được bất cứ lời hỏi mua nào. Hai tuần trước, Samsung công bố giảm giá 2 triệu đồng cho sản phẩm này. Vội vã mang ra các cửa hàng để bán lại máy, chị nhận được lời đề nghị mua với giá 11 triệu đồng. “Thị trường di động đang khó lường hơn bao giờ hết”, anh Trung Trí - đại diện một đơn vị bán lẻ nhận định. Theo anh này, hiện bản thân các hệ thống di động cũng không dám “ôm” hàng với số lượng lớn, bởi các mẫu siêu di động giảm giá từng ngày, nếu không bán hết, cửa hàng sẽ lĩnh đủ.
Gần đây nhất, đồng loạt các sản phẩm cao cấp như Galaxy S6, S6 Edge, Sony Xperia Z3+, LG G4 giảm giá từ một đến hơn hai triệu đồng. Đại diện HTC phủ nhận việc giảm giá One M9, nhưng đại lý lại đang bán máy ở mức 14 triệu đồng, thấp hơn đến 2 triệu so với giá niêm yết. Người ta đã nói nhiều đến việc các mẫu di động cao cấp được chào bán với giá chưa hợp lý tại Việt Nam để rồi sau khi không bán được hàng, hãng sản xuất lại ồ ạt giảm giá, thậm chí bán xả hàng dưới dạng một model tầm trung. "Giảm giá" cũng là một từ khóa nằm trong chiến lược lôi kéo khách hàng của các hãng di động tại Việt Nam. Ở nhóm xách tay, mức giảm của các mẫu di động này còn mạnh mẽ hơn. “Thông thường, các chủ hàng xách tay đều phải dựa vào giá máy chính hãng để chào bán. Nếu máy chính hãng giảm, máy xách tay chắc chắn phải giảm theo để tạo khoảng cách về giá”, anh Thanh Tùng - đại diện đơn vị kinh doanh tại Phạm Văn Đồng (Hà Nội) cho hay. Ngoài ra, việc các cửa hàng cạnh tranh gay gắt để giành khách khiến giá bán của máy xách tay đôi khi giảm chóng mặt. Chẳng hạn, Galaxy S6 phiên bản Nhật hiện có giá 10 triệu đồng, LG G4 giá 11 triệu, Xperia Z3+ 12 triệu, BlackBerry Passport 11 triệu. Bộ đôi Samsung Galaxy Note 5 và S6 Edge+ vừa về nước đã giảm giá mạnh xuống lần lượt 16,5 và 18 triệu đồng. “Nếu như trước đây, máy xách tay chỉ cần rẻ hơn chính hãng 1-1,5 triệu đồng là đủ để người dùng cân nhắc thì hiện tại, mức chênh phải lên đến 3-4 triệu mới đủ sức hấp dẫn”, anh Tùng cho biết thêm
Về phía người dùng, việc các mẫu di động cao cấp liên tục giảm giá vừa có lợi vừa khiến họ hoang mang. Lợi ở chỗ, người dùng không phải chờ quá lâu để mua những mẫu di động yêu thích với giá hợp lý. Hoang mang là bởi họ không biết đâu là thời điểm thích hợp nhất để mua máy và sau khi mua xong, liệu chiếc máy họ sở hữu có tiếp tục giảm giá mạnh hay không? Bên cạnh đó, với những người không có ý định trung thành với một dòng máy, việc di động giảm giá liên tục khiến chiếc máy của họ mất giá chóng mặt. Với chị Ngọc Lan - người không chịu bán lỗ chiếc Galaxy S6 mới mua, chị quyết định đem máy về dùng dù trước đó không hề có ý định trải nghiệm “siêu phẩm”.
Nguồn Zing News