Giá dầu lao dốc lại ám ảnh kinh tế Việt Nam

Sau khi xuống dưới 50 USD một thùng vào năm ngoái, đầu năm nay, giá dầu tăng trở lại lên mốc 60 USD khiến nhiều tổ chức tin rằng sẽ tiếp tục phục hồi. Song, trong 2 tháng gần đây, biểu đồ giá dầu liên tục đi xuống, mất hơn 30% từ đầu năm và giảm hơn 70% kể từ mức đỉnh năm 2008, về dưới 40 USD - thấp nhất hơn 10 năm.

 

Theo bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), mức giảm mạnh của dầu thô phản ánh mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế thấp tại các thị trường mới nổi. Trung Quốc là trường hợp điển hình cho suy giảm tăng trưởng kinh tế sau biến cố chưa từng có trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng thấp hơn dự báo từ các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu, khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latin cũng dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung.

Nguồn cung dư thừa cũng tạo áp lực lên thị trường dầu mỏ. Dự trữ dầu ở Mỹ tăng mạnh 10 triệu thùng, gần gấp đôi ước tính của các nhà phân tích. Với công suất khoan 68%, dự trữ dầu đang ở mức cao nhất trong lịch sử quốc gia này. Thêm vào đó, Iran - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC có thể tăng sản lượng lên một triệu thùng một tháng sau khi lệnh trừng phạt chấm dứt cũng khiến nỗi lo về dư thừa nguồn cung thêm mạnh mẽ.

Trong ngắn hạn, các chuyên gia đánh giá triển vọng đối với dầu thô tương đối tiêu cực. Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế Thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định giá dầu có thể về ngưỡng 30 - 40 USD một thùng.

Nguyên nhân là ngưỡng hòa vốn bình quân của khai thác dầu đá phiến tại Mỹ khoảng 50 USD, trong khi giá hòa vốn của các mỏ dầu truyền thống ở phần lớn các nước sản xuất dầu lớn tại Trung Đông là dưới 30 USD một thùng. Trong trường hợp các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) muốn ép nền công nghiệp sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, cũng như cầu về dầu của thế giới giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, giá dầu có thể xuống ngưỡng 30 USD. Còn nếu dựa vào năng lực tích trữ thì giá dầu thế giới có thể ở mức 35-40 USD một thùng.

Thậm chí, giá dầu thế giới có khả năng xuống dưới 30 USD nếu Iran quay trở lại thị trường dầu thế giới với mức cung 1-2 triệu thùng mỗi ngày và OPEC tiếp tục gây sức ép đối với dầu đá phiến Mỹ. Dẫn dự báo của IMF ngày 25/8/2015, ông Khôi cho biết giá dầu trung bình quý III/2015 là 55,96 USD, quý IV tăng lên 55,76 USD, trung bình 2015 khoảng 56,22 USD.

 

 

 

Là một quốc gia xuất khẩu, đồng thời cũng nhập khẩu dầu thô, việc giá nguyên liệu biến động không tránh khỏi sẽ ảnh hưởng lên thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu dầu thô tăng, song do đơn giá dầu thô giảm gần 50%, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 2,7 tỷ USD, thấp hơn 2,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trả lời báo chí hồi đầu năm, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết dự toán ngân sách 2015 được xây dựng trên cơ sở giá dầu dự báo khoảng 100 USD một thùng, cứ giảm một USD thì ngân sách hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. So với kịch bản 30 USD, giá dầu giảm 70 USD một thùng, ước tính ngân sách sẽ hụt thu khoảng 70.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo vị Trưởng ban Kinh tế thế giới, giá dầu giảm sẽ tác động hai chiều lên ngân sách, một mặt khiến nguồn thu nội địa tăng lên do khu vực sản xuất được kích thích tăng trưởng bởi chi phí đầu vào giảm, mặt khác làm thu từ xuất khẩu dầu thô giảm xuống. Tổng hợp các kịch bản, ông Khôi tính toán thu sẽ "giảm không nhiều", quý IV/2015 giảm 2.500 tỷ đồng và 2016 giảm 8.000 tỷ đồng.

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, vị này cho hay giá dầu thế giới xuống 30 USD sẽ khiến GDP toàn cầu quý IV/2015 giảm 2,43% so với kịch bản cơ sở là 56,6 USD một thùng và toàn năm 2016 giảm 1,5%. Do tăng trưởng của các nền kinh tế là đối tác quan trọng với Việt Nam giảm nên cầu nhập khẩu hàng hóa cũng giảm, tác động tiêu cực tới sản xuất trong nước. So sánh với kịch bản cơ sở, việc giá dầu xuống 30 USD sẽ khiến GDP Việt Nam quý IV/2015 giảm 1,1%, toàn năm 2016 là 0,29%.

Trong khi đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho hay, tác động của giá dầu giảm lên ngân sách Nhà nước năm nay sẽ mạnh hơn năm 2014 do kế hoạch thu ngân sách dựa trên giả định giá dầu ở mức 100 USD một thùng, tức cao hơn nhiều tình hình thực tế.

“Theo một số chuyên gia kinh tế nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam có thể chịu thiệt hại tới 110.000 tỷ đồng trong năm 2015 từ sự suy giảm hoạt động khai thác và xuất nhập khẩu dầu khí nếu giá dầu giảm xuống 40 USD một thùng. Trong đó, ngân sách Nhà nước có thể sẽ bị thiệt hại khoảng 55.000 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu, chưa bao gồm khoản thiệt hại từ việc giảm giá dầu nhập khẩu”, bản tin của VPBS nêu.

Từ vấn đề trên, các chuyên gia tiếp tục cảnh báo về sự mất cân đối cơ cấu ngân sách Nhà nước, vốn phụ thuộc nặng vào tài nguyên thiên nhiên và hoạt động xuất nhập khẩu - khu vực dễ dàng bị ảnh hưởng từ các biến động khó dự đoán của nền kinh tế toàn cầu. Ngân sách Nhà nước cần chú trọng hơn vào nguồn từ hoạt động sản xuất trong nước và thương mại trong tương lai để đạt sự ổn định hơn.

"Để đối phó với giá dầu thô giảm, ngành dầu khí nên xem xét giải pháp dừng khai thác những giếng dầu có chi phí cao hơn giá dầu thế giới và cải cách hệ thống thuế quốc gia để tăng thu ngân sách Nhà nước", ông Khôi khuyến nghị.

Không chỉ ảnh hưởng tới các chỉ tiêu vĩ mô, giá dầu giảm còn khiến các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam chịu tác động nhất định. Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) xây dựng kịch bản tài chính năm 2015 dựa trên giá dầu thô 100 USD một thùng. Tuy nhiên, việc giá bình quân 6 tháng đầu năm là 60,5 USD, giảm gần 40% so với kế hoạch đã khiến tập đoàn không hoàn thành mục tiêu.

Trong thời gian nêu trên, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 296.100 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 63.600 tỷ, đều bằng 88% kế hoạch 6 tháng và khoảng 40% kế hoạch năm.

Cả năm 2015, PVN dự kiến giá dầu là 63 USD một thùng, theo thông cáo được đưa ra hồi tháng 6 khi thị trường chưa có những biến động bất ngờ như hiện nay. Như vậy, việc giá dầu bình quân khoảng 56 USD sẽ thách thức việc hoàn thành nhiệm vụ đạt doanh thu 718.400 tỷ đồng và nộp ngân sách 159.000 tỷ đồng cả năm nay.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cũng không tránh khỏi vòng xoáy. Giá bán khí gas tự nhiên trung bình giảm 18,5% so với năm ngoái, trong khi giá bán khí LPG giảm 31,8% đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty. Trong nửa đầu năm 2015, lợi nhuận ròng sau thuế đạt 5.200 tỷ đồng, giảm 19% so với năm ngoái và biên lợi nhuận ròng đạt 16,5% so với mức 18,8% trong nửa đầu năm 2014. Kể từ cuối tháng 6 tới nay, giá cổ phiếu GAS cũng đã giảm 33%.

Chung hoàn cảnh, cổ phiếu doanh nghiệp dầu khí khác cũng bị ảnh hưởng nặng. Chỉ số PVN Allshare tổng hợp giá cổ phiếu của 31 doanh nghiệp niêm yết trên sàn, tổng vốn hóa hơn 6 tỷ USD đã giảm 300 điểm từ đầu tháng 7 đến nay (giảm 25%), từ mức 1.174,8 về 874,7 điểm ngày 26/8.

Song, phân tích của BSC cho biết một số ngành khác sẽ được hưởng lợi từ giá dầu giảm như hóa chất, phân bón, nhựa, săm lốp, vận tải biển, điện nhờ giá nguyên liệu đầu vào và chi phí giảm. Do đó, trong thời điểm hiện tại, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng bởi diễn biến thị trường còn nhiều phức tạp, không chỉ riêng với nhóm cổ phiếu dầu khí.

Nguồn VNExpress

nhà xinh
CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC XÂY DỰNG NHÀ XINH HOTLINE : 0909 452 109 Địa Chỉ: 215 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, HCM Website : www.nhaxinhcenter.com | www.nhaxinhsaigon.com

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Về Trang Chủ