Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, Việt Nam lợi hay thiệt?

- Ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ?

- Với việc điều chỉnh thêm 1,1% trong ngày hôm nay, tính ra, đồng nhân dân tệ đã phá giá tổng cộng 4,6% trong vòng 3 ngày. Đây là mức điều chỉnh "vô tiền khoáng hậu" đối với một đồng tiền có sức mạnh trên thị trường tài chính thế giới.

Đó là cơn địa chấn có lẽ chưa từng có trên thế giới, và tạo ra hàng loạt dư chấn mà kết quả của nó có lẽ sẽ không dừng lại ở mức độ 4,6%.

- Điều này có tác động như thế nào tới xuất nhập khẩu cũng như cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc?

-Việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nội tệ liên tiếp trong 3 ngày gần đây chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến đến xuất nhập khẩu của Việt Nam, cũng như cán cân thương mại giữa hai nước. Xét cả về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, chính sách này đều khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, về ngắn hạn, hàng Trung Quốc nhập khẩu sẽ rẻ hơn so với hàng hóa Việt Nam và cạnh tranh mạnh mẽ với sản phẩm nội địa. Về xuất khẩu, hàng Việt sẽ gặp trở ngại càng ngày càng nhiều bởi tương quan giá sẽ càng ngày càng cao, khiến sản phẩm của chúng ta mất tính cạnh tranh với Trung Quốc. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu sẽ ngày càng cao, không chỉ là với Trung Quốc mà sẽ là trên diện rộng với hàng loạt các quốc gia mà Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu.

Xét về trung hạn, đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ không dừng lại ở mức phá giá 4,6%. Còn về dài hạn, rất có thể, đồng tiền này sẽ được thả nổi. Khi đó, mức giảm giá sẽ là không dự tính được. Điều này sẽ khiến Việt Nam càng lún sâu vào nhập siêu so với Trung Quốc.

 

- Trung Quốc phá giá đồng nội tệ có thể sẽ thổi bùng nguy cơ chiến tranh tiền tệ, trong khi tại khu vực Đông Nam Á, lạm phát 12% của Malaysia khiến nhiều người lo ngại khủng hoảng tài chính sẽ quay trở lại. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để giữ nền kinh tế phát triển ổn định trước những nguy cơ này?

- Có lẽ Việt Nam không thể dừng ở mức phá giá đồng nội tệ 1% mà còn phải nhiều hơn nữa. Vấn đề phá giá bao nhiêu thì phải xét đến 2 khía cạnh: bao nhiêu là đủ và bao nhiêu là cần.

Điều quan trọng nhất lúc này là cần phải ổn định lại thị trường ngoại hối của Việt Nam. Thực tế, trước động thái phá giá tiền tệ của Trung Quốc, các thị trường tự do, thị trưởng mở như chứng khoán, vàng, ngoại hối của Việt Nam đều nổi lên những con sóng lớn.

Theo quan điểm của tôi, có lẽ một lần điều chỉnh tỷ giá nữa là cần thiết trong ngắn hạn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng phải có những tuyên bố rạch ròi, cụ thể, những thông điệp chính sách rõ ràng với cơn địa chấn của đồng nhân dân tệ, thay vì nói chung chung như hiện nay.

- Ông có cho rằng những phản ứng của Ngân hàng Nhà nước khi nới lỏng biên độ dao động tỷ giá lần này là bị động, bởi trước đây chúng ta đã từng có cơ hội chủ động hơn và không gây ra làn sóng quá lớn trên thị trường như hiện nay?

- Đúng là chúng ta có bị động mấy ngày nay với tình hình phá giá của đồng nhân dân tệ.

Trở lại câu hỏi đáng lý ra Việt Nam nên nới tỷ giá trước hay không, thì đúng, có lẽ chúng ta cũng đã hơi chậm chân trong việc đưa ra chính sách, biện pháp thích hợp nhất. Trước khi nhân dân tệ phá giá, tôi cũng từng đưa ra rất nhiều lý do, nguyên nhân gây ra áp lực lên đồng tiền Việt Nam. Sự điều chỉnh tỷ giá đầu tháng 7 vẫn không làm giảm áp lực nên đồng nội tệ, và đáng lý cần có những chính sách hợp lý hơn.

Thực tế, trong mấy chục năm vừa rồi, Việt Nam vẫn theo đổi chính sách đồng nội tệ mạnh. Chính Trung Quốc cũng từng theo đuổi điều này, và hiện nay họ đã từ bỏ. Đây chính là thời điểm chúng ta cần xem xét lại chính sách giữ đồng Việt Nam mạnh có còn thích hợp hay không.

Nguồn Zing News

nhà xinh
CÔNG TY CỔ PHẦN KIẾN TRÚC XÂY DỰNG NHÀ XINH HOTLINE : 0909 452 109 Địa Chỉ: 215 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 7, Quận 3, HCM Website : www.nhaxinhcenter.com | www.nhaxinhsaigon.com

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Về Trang Chủ